TƯ VẤN CHO GIA ĐÌNH CÓ TRẺ NHỎ KÉN ĂN

Đang cập nhập ... 08:41:00 0 Bình luận

Nhiều bậc cha mẹ thường lo lắng về tình trạng lười ăn, kén ăn hoặc ăn uống thất thường của trẻ, ví dụ như trẻ có thể ăn rất ít, hoặc có xu hướng rất thích một món ăn nhưng ngày hôm sau lại từ chối ăn món đó. Thực tế là ở lứa tuổi Mầm non, đặc biệt từ 1 đến 5 tuổi, việc trẻ giảm nhu cầu ăn uống và có những hành vi này là rất phổ biến và hoàn toàn bình thường, vì rất có thể trẻ đang bắt đầu thể hiện sự độc lập của mình thông qua các hành vi như vậy.

1.Thấu hiểu vì sao trẻ có xu hướng kén ăn

Có một số lý giải cho tình trạng ăn uống không ổn định. Thông thường, tình trạng này bắt đầu khi trẻ chập chững biết đi ( 1- 3 tuổi)
• Cảm giác thèm ăn của trẻ có sự thay đổi liên tục do trẻ bước vào giai đoạn phát triển nhảy vọt;
• Trẻ mới biết đi không phát triển nhanh như trẻ sơ sinh nên cần ít thức ăn hơn;
• Trẻ bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến thế giới xung quanh, nên sẽ giảm thời gian chú ý đến thức ăn;
• Trẻ mong muốn vượt qua ranh giới và thể hiện rằng mình độc lập hơn: bắt đầu phát triển sở thích/không thích về thức ăn, muốn tự chọn thức ăn, từ chối một số thức ăn nhất định…

2. Những quy tắc cơ bản và bí kíp chăm sóc trẻ có xu hướng kén ăn

Nếu trẻ có xu hướng kén ăn nhưng nhìn chung vẫn khỏe mạnh và phát triển tốt, đủ năng lượng để vui chơi, học hỏi và khám phá thì có thể nói rằng trẻ vẫn ăn uống đủ chất. Tuy nhiên, việc trẻ ăn uống thất thường như vậy cũng sẽ khiến các bậc cha mẹ có nhiều trăn trở. Bốn quy tắc và những bí kíp dưới đây là gợi ý tham khảo để cha mẹ đồng hành cùng trẻ trong giai đoạn này mà vẫn có thể động viên trẻ ăn uống lành mạnh và đủ chất.

a) Cha mẹ quyết định trẻ ăn gì, nhưng hãy để trẻ được tự quyết định việc ăn bao nhiêu
“Cha mẹ lên thực đơn và chuẩn bị cho trẻ các nguồn thực phẩm đủ dinh dưỡng nhất, nhưng hãy để cho trẻ được quyết định mình sẽ ăn bao nhiêu”, nhà tâm lý học phát triển tại Mỹ – Leann L. Birch đã chia sẻ sau rất nhiều nghiên cứu về hành vi ăn uống của trẻ em.

Mỗi con người đều được sinh ra với hệ thống não bộ và tín hiệu bên trong bẩm sinh, cho chúng ta biết rằng mình cần ăn bao nhiêu là đủ, và trẻ em thực sự rất giỏi trong việc tự đánh giá xem mình cần bao nhiêu thức ăn. Vậy nên việc ép ăn khi trẻ không thoải mái, sẽ giống như “ghi đè” lên các tín hiệu tự nhiên của trẻ và bào mòn khả năng tự điều chỉnh – về lâu dài sẽ dẫn đến các vấn đề về ăn uống (như khó ăn hoặc thừa cân…). Vì vậy, đầu tiên cha mẹ cần có sự tin tưởng ở trẻ, vì bộ não của trẻ sẽ đảm bảo rằng trẻ ăn đủ calo cần thiết cho cơ thể.

Cha mẹ nên là người quyết định các loại thực phẩm lành mạnh, và từ những thức ăn này, trẻ sẽ là người quyết định mình có ăn hay không, và ăn bao nhiêu. Việc để trẻ tự quyết định có thể bị coi là quá “tự do”, nhưng nếu cha mẹ làm tốt ở bước đầu tiên, thì trẻ sẽ chỉ lựa chọn ăn trong số những thực phẩm hữu ích mà cha mẹ đã chuẩn bị.

b) Để các món ăn trở nên thú vị hơn
• Trẻ mới biết đi đặc biệt thích thử các loại thức ăn được sắp xếp theo những cách bắt mắt, sáng tạo. Các món ăn sẽ trông hấp dẫn hơn khi được sắp xếp thành những hình thù vui nhộn, các nhân vật nhiều màu sắc mà trẻ có thể nhận ra.

  

 

 

• Với món ăn mới: nên kết hợp những món ăn mới với những món ăn mà trẻ đã biết và thích. Cha mẹ hãy kiên nhẫn, vì nghiên cứu cho thấy trẻ có thể mất đến 10-15 lần để có thể đón nhận và thực sự thích một món ăn mới.
• Để trẻ tham gia vào việc chuẩn bị bữa ăn: cùng đi chợ/ siêu thị, chọn trái cây/ rau củ, đọc sách về các món ăn và chọn những công thức ăn mà mình muốn làm… là những cách tạo hứng thú tuyệt vời.
• Những đầu bếp tí hon: một số công việc “bếp phó” hoàn hảo cho trẻ mầm non như rửa rau, nhặt rau, đếm nguyên liệu, đảo thức ăn… cũng sẽ giúp con hào hứng hơn và mong muốn được thử món ăn mà mình đã cùng cha/mẹ làm.

c) Tạo môi trường ăn uống tích cực
• Bữa ăn rất cần được diễn ra một cách thường xuyên và vui vẻ trong sinh hoạt của các thành viên trong gia đình. Cha mẹ được khuyến khích ngồi ăn cùng con bất cứ khi nào có thể.
• Trở thành một tấm gương về việc ăn uống lành mạnh và đa dạng các loại thực phẩm. Cha mẹ, anh chị em và các thành viên khác trong gia đình đều chính là hình mẫu cho trẻ.
• Cha mẹ hãy thể hiện sự thích thú của mình với món ăn mình đã làm, việc này cũng sẽ tạo nhiều sự hứng khởi cho trẻ.
• Với thức ăn mới, hãy cho trẻ thử khi cha mẹ và con cảm thấy thật sự thoải mái, lúc trẻ không quá mệt hoặc bị phân tâm bởi những thứ khác. Nếu trẻ từ chối một món ăn, hãy để trẻ thử lại sau một tuần hoặc lâu hơn.
• Dạ dày nhỏ của trẻ Mầm non cần nhiều bữa ăn trong ngày, vì vậy nên thường xuyên dự trữ đồ ăn vặt lành mạnh cho các bữa ăn nhẹ như pho mát, sữa chua, các loại hạt, bánh quy, trái cây cắt nhỏ, súp…

d) Một số lưu ý để giờ ăn là niềm vui trọn vẹn
• Hạn chế tối đa các phương tiện truyền thông gây xao nhãng vào giờ ăn – như TV, điện thoại… Việc dọn đồ chơi trước khi ăn cũng đóng vai trò quan trọng để trẻ có thể tập trung lắng nghe những tín hiệu từ dạ dày và bộ não.
• Tránh việc mắng/phạt khi trẻ không chịu thử các món ăn mới, điều này có thể biến việc thử nghiệm thức ăn mới thành điều tiêu cực và phản tác dụng.
• Tránh “dụ” trẻ bằng phần thưởng là đồ ăn vặt để trẻ ăn các món lành mạnh. Điều này có thể khiến trẻ càng thấy đồ ăn vặt là thú vị, còn đồ ăn lành mạnh trở thành khó chịu.
• Tránh ép trẻ ăn vì điều này có thể khiến giờ ăn trở nên căng thẳng. Cách tốt nhất để đồng hành với trẻ kén ăn là dạy trẻ cách tự xúc ăn và động viên tích cực. Hãy để trẻ tự điều chỉnh tốc độ ăn của mình và tin rằng trẻ đang làm những gì phù hợp với cơ thể một cách tự nhiên nhất.
• Đánh giá cảm giác thèm ăn của trẻ trong một đến hai tuần, thay vì chỉ qua một – hai ngày. Đôi khi trẻ ăn ít hơn vào hôm nay và sẽ ăn nhiều hơn vào ngày kế tiếp. Vì vậy, chỉ khi trẻ biếng ăn suốt một thời gian dài, ăn một lượng quá ít thức ăn, thường xuyên từ chối đồ ăn khiến cha mẹ lo lắng về sức khỏe tổng thể của con, khi ấy cha mẹ sẽ cần sự tư vấn và thăm khám của bác sĩ và các chuyên gia dinh dưỡng.

Nguồn:

- Aha! Parenting & Raising Children Network (Australia)

- Vinschool

Viết bình luận