Bác sỹ Montessori viết trong cuốn sách mới được xuất bản The 1946 London lectures: “Một ngày nọ tôi trông thấy một ông bố người Nhật đang dắt đứa con trai của ông ta đi dạo. Người Nhật hiểu biết thật sự về trẻ nhỏ. Họ đem con đi khắp nơi với họ. Em bé này khoảng 2 tuổi, bước đi chậm chạp và người cha cũng đi chậm rãi. Đến một lúc, đứa bé dừng lại và nắm lấy một chân của người cha. Người cha đứng yên với hai chân dang ra. Bé đi vòng quanh chân của cha mình, đứa bé đang nghiêm túc và người cha cũng vậy. Khi đứa bé đã cảm thấy đủ, người cha khép hai chân lại và họ tiếp tục đi. Sau một lúc, bé ngồi xuống ở mép lề đường và người cha đợi đứa con một cách kiên nhẫn. Khi bé đứng dậy và đi tiếp, người cha lại đi tiếp. Người cha này không có kiến thức gì về tâm lý, ông ta dắt đứa con đi dạo và đối với ông ta đây là cách tự nhiên để làm điều gì đó”. ( Em bé hạnh phúc – Susan Mayclin Stephenson)
Chúng ta thấy ở trích đoạn trên, bác sỹ Montessori cho chúng ta biết người cha không có kiến thức về tâm lý trẻ nhỏ, nhưng cách mà người cha làm cho con lại cho thấy đó là một người rất hiểu biết. Người cha đơn giản chỉ đưa con đi dạo, địa điểm cũng rất đơn giản là một con đường thoáng để có thể đi bộ cùng con. Nhưng sự kiên nhẫn của người cha với những hành động của con, chính là điều đặc biệt mà không phải người lớn nào cũng làm được.
Điều đó đối lập với thế giới hiện đại ngày nay, chúng ta hay gấp rút đưa trẻ đến một nơi nào đó, như công viên, hồ bơi, sân chơi … “trong khi tất cả những gì trẻ cần là thời gian và sự kiên nhẫn của chúng ta cho phép trẻ khám phá thế giới ở tốc độ của riêng trẻ dưới sự hướng dẫn của sự tò mò nội tại”, thì chúng ta lại ít khi nghĩ đến. Điều trẻ cần đơn giản hơn điều mà người lớn chúng ta nghĩ, đứa trẻ cần được lắng nghe, trẻ cần sự kiên nhẫn của người lớn để khi chúng “làu bàu” về một sự vật không có ý nghĩa nào đó nhưng vẫn được người lớn đáp lại bằng sự lắng nghe, ánh mắt thấu hiểu thì chính lúc đó trẻ cảm thấy hạnh phúc.
Càng với không gian hiện đại thì một môi trường ấm áp dành cho trẻ càng có ý nghĩa. Vẫn biết rằng một chế độ ăn uống an toàn cộng với sự bảo đảm về mặt thể chất là những điều kiện rất quan trọng để nuôi lớn những đứa trẻ khỏe mạnh. Tuy nhiên một điều quan trọng không kém đó chính là tạo ra được một môi trường hạnh phúc. Yêu thương chính là nguồn cội để nuôi dưỡng tâm hồn, nhân cách của đứa trẻ cho tương lai.
Người cha có vai trò như thế nào ?
Nếu người mẹ mang đến cho trẻ sự thoải mái và ổn định thì người cha lại khéo léo truyền cho trẻ một tinh thần mới. Sự hiện diện của người cha khuyến khích trẻ tiếp cận với những người xung quanh một cách dễ dàng hơn và giúp trẻ tăng khả năng tương tác xã hội một cách hài hòa, người cha có vai trò hàng đầu trong việc hình thành những nét tính cách sơ khai và sẽ theo con cho tới lúc trưởng thành.
Mang một ý nghĩa lớn như vậy nhưng người cha chỉ cần “để ý” với những hành động “nhỏ” đối với đứa trẻ như việc dành thời gian dùng bữa cùng con, đưa con đi dạo, nói chuyện với cùng con nhiều hơn, đọc sách cho con nghe và dành cho con những lời nói động viên. Đó chính là tiền để để tạo nên những nhân cách tự tin, tươi đẹp cho con sau này. Những điều này người mẹ cũng giữ một vai trò quan trọng nhưng khi trẻ được đón nhận thêm từ người cha – hình ảnh đại diện cho sức mạnh, uy quyền sẽ làm cho đứa trẻ thêm niềm tin vào chính bản thân mình.
Hãy trở thành người cha “bình thừơng” của con. Giống như ví dụ ở ngay đầu bài viết về người cha ở Nhật, những cử chỉ đơn giản như việc đi dạo cùng con, kiên nhẫn với những hành động của con bằng tình yêu thương …. Vì vậy hãy tập luyện để những thói quen tốt đó được diễn ra thường xuyên hơn trong cuộc sống của đứa trẻ.
Có một sự thật rằng, khi cha mẹ hiểu con ở mức độ sâu sắc thì họ cũng đang tự hiểu thấu về chính bản thân mình theo một cách mới. Để trở thành một người cha, người mẹ tốt thì trước hết phải học cách cân bằng cuộc sống cá nhân, các mối quan hệ bên ngoài. Khi chúng ta làm đẹp nhân cách, tâm hồn mình thì chúng ta cũng sẽ tìm ra được cách khơi dậy cái đẹp trong những đứa con của mình.