UY LỰC CỦA GIỌNG NÓI NHẸ NHÀNG.

Giọng nói nhẹ nhàng giống như chiếc cầu nối, truyền đạt mọi mong muốn của người lớn dành cho trẻ. Lời nói nhẹ nhàng giúp trẻ tập trung thực sự vào câu chuyện, làm giảm tâm lý phản kháng, nổi loạn ở trẻ.

Khi trẻ không nghe lời cha mẹ thường phản ứng bằng cách tăng âm lượng, nét mặt căng thẳng, cáu giận, buộc trẻ phải nhìn vào để dừng lại một hoạt động nào đó. Đứa trẻ có thể ngay lập tức nghe lời bố mẹ, dừng ngay những hoạt động mình đang làm nhưng thực chất chúng chưa hiểu mình đang sai ở chỗ nào. Chúng chỉ mong sao bố mẹ hết tức giận vì điều đó làm chúng sợ hãi.

Với những đứa trẻ có cá tính đặc biệt, sẽ có lúc chúng phản kháng bằng cách la hét, thậm chí có thể dùng tay chân để giải tỏa tâm lý. Lúc này đứa trẻ không những không xem xét lỗi sai của mình mà còn muốn đối đầu với bố mẹ.

Tuy nhiên, khi chúng ta hạ giọng, bình tĩnh nói chuyện với con một cách nghiêm túc, tự khắc không cần tỏ giận dữ mà vẫn vô cùng uy lực trong mắt con. Vào thời điểm này, bạn muốn truyền đạt gì đến con thì sẽ hiệu quả hơn. Trong quá trình nói nhẹ nhàng cũng giúp cha mẹ bình tĩnh lại.

Đặc biệt, lời nói nhẹ nhàng có có tác dụng tốt cho tính cách của trẻ sau này khi lớn lên. Môi trường gia đình có ý nghĩa đặc biệt và quan trọng đối với một đứa trẻ vì đó là nơi trẻ được giáo dục lâu dài nhất. Không gì tốt đẹp hơn khi trẻ được sống trong một gia đình hòa thuận, tính cách của trẻ cũng sẽ có thiên hướng nhẹ nhàng, bình tĩnh. Ngược lại khi các bậc cha mẹ không giữ được bình tĩnh, nói to, thường xuyên quát mắng con thì đứa trẻ sau khi lớn lên rất dễ bị “thừa hưởng” những đặc điểm tính cách trên.

Phê bình trẻ bằng cách nói nhẹ nhàng còn tốt cho tính cách trẻ sau này. Trong cuộc đời của trẻ, bố mẹ là giáo viên có thời gian dạy dài nhất. Lời nói và hành động của bố mẹ ảnh hưởng lớn nhất đến con. Khi chúng ta không bình tĩnh, càng nói to và la mắng càng ảnh hưởng đến tính cách của con.

Hãy thử áp dụng 4 hướng dẫn để hạ thấp giọng của các nhà tâm lý tại Đại học Bắc Kinh đưa ra:

Chuyện gấp nói từ từ, chuyện lớn nói rõ ràng, chuyện nhỏ nói một cách hài hước, chuyện không có gì đừng nói bừa, chuyện không chắc chắn nói thận trọng, chuyện làm không được đừng nói linh tinh, chuyện tổn thương người khác không nên nói, chuyện chán ghét tìm đúng người để nói, chuyện hạnh phúc thì tìm dịp thích hợp để nói...

Sử dụng đúng giọng điệu và từ ngữ
Nhiều bậc cha mẹ rất khó kiểm soát bản thân khi phê bình trẻ. Vì vậy, trước khi nói hãy suy nghĩ thật kỹ, vận dụng những từ ngữ và giọng điệu phù hợp, hiệu quả có thể làm bạn kinh ngạc. Ví dụ "Mẹ rất yêu con, nhưng hành vi của con mẹ không thể chấp nhận được". Một số bà mẹ còn áp dụng cách đi chỗ khác vài phút để bình tĩnh lại, suy nghĩ thật kỹ mới nói chuyện với con.

Nói rõ sự kỳ vọng của chúng ta cho con cái nghe
Ví dụ, đưa trẻ đi siêu thị, nói với trẻ đừng làm xáo trộn hàng hóa và cảnh báo nếu không làm theo hậu quả sẽ như thế nào. Từ đầu đến cuối cần phải thông suốt, không cần lớn tiếng hay dùng giọng điệu uy hiếp đứa trẻ.

Không làm tổn thương lòng tự trọng của trẻ

Từ ngữ, hay giọng nói thiếu tôn trọng sẽ khiến trẻ cảm thấy tự ti. Đứa trẻ cũng như chúng ta, chúng cần được tôn trọng, và khi  biết mình được tôn trọng chúng sẽ biết cách rút kinh nghiệm, tự điều chỉnh hành vi. Khi trẻ sai hãy để trẻ biết chính mình sai ở đâu, hậu quả sẽ như thế nào để trẻ có thời gian suy nghĩ về hành vi của mình và kiên nhẫn chờ đợi sự thay đổi của trẻ. Cha mẹ hãy bỏ thói quen tùy ý trút hết mọi cảm xúc lên con.

Lương Nguyễn.