TÌM HIỂU VỀ BÀI HỌC CẢM QUAN TRONG PHƯƠNG PHÁP MONTESSORI

Đang cập nhập ... 15:42:00 0 Bình luận

Cảm quan hay giác quan là một trong những lĩnh vực quan trọng trong phương pháp giáo dục Montessori được áp dụng tại trường mầm non Chu Văn An. Lĩnh vực này là tiền đề cho những hoạt động toán học, khoa học tự nhiên của trẻ sau này. 

Các hoạt động cảm quan giúp trẻ trải nghiệm và phát triển những giác quan của bản thân thông qua những học cụ được thiết kế một cách khoa học. Từ những trải nghiệm này các con phát triển năng lực nhận thức từ các đặc tính của đồ vật như hình dạng, màu sắc, trọng lượng, các chiều không gian... Lĩnh vực Giác quan có mối liên hệ chặt chẽ với các lĩnh vực khác (như Thực hành cuộc sống, Toán học, Ngôn ngữ và Văn hóa), từ đó tạo nền tảng vững chắc cho quá trình học tập sau này.

Các giáo cụ được sắp xếp khoa học trong phòng học Montessori chính là những công cụ giúp các con học những bài học cảm quan hiệu quả nhất. Cảm quan và giáo cụ luôn song hành cùng nhau. Nếu để ý bố mẹ có thể thấy trong lớp học của con các giáo cụ được sắp xếp trên giá kệ theo những trình tự và quy luật khoa học. Việc luyện tập các bài tập cảm quan thông qua giáo cụ thường được các cô ở mầm non Chu Văn An triển khai ở các nhóm sau:

Nhóm giáo cụ phát triển thị giác 
Bộ hình trụ có núm, tháp hồng, cầu thang nâu, cây gậy đỏ, tủ hình học, các hộp màu,…, trẻ sẽ được học cách quan sát để tăng khả năng nhận biết độ to – nhỏ, kích thước dài – ngắn, dày – mỏng, rộng – hẹp, hình dáng của các vật thể và phân biệt các loại màu và độ đậm nhạt của các màu,…

Nhóm giáo cụ phát triển xúc giác 
Trong các bài học cảm quan, trẻ có cơ hội phát triển tối đa các kỹ năng liên quan đến xúc giác thông qua các hoạt động tiếp xúc, cảm nhận tính chất của đồ vật. 

Ví dụ: cảm nhận tấm xúc giác (cảm nhận độ thô ráp – nhẵn), cảm nhận nhiệt độ nóng – lạnh trên bề mặt các tấm cảm nhiệt. Hoặc cảm nhận trọng lượng thông qua các tấm trọng lượng... 

Nhóm giáo cụ phát triển thính giác
Trẻ sẽ phải vận dụng tối đa năng lực thính giác và sự tập trung để lắng nghe, thẩm thấu âm thanh phát ra từ giáo cụ. Nhờ vậy, các con sẽ biết cách phân biệt âm sắc, độ to – nhỏ để sắp xếp và so sánh các âm điệu, phát triển tai nghe âm nhạc trong tương lai. 

Nhóm giáo cụ phát triển vị giác 
Bài học về các lọ vị giác tạo giúp trẻ sử dụng lưỡi tiếp xúc trực tiếp với chất lỏng có vị khác nhau như chua, ngọt, mặn. Theo đó, trẻ có thể phân biệt được các loại mùi vị cơ bản trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. 

Giáo cụ phát triển khứu giác
Với bài học lọ khứu giác, trẻ học cách phân biệt các mùi khác nhau (quế, hương thảo, tiêu,…).  Những giáo cụ này cũng có thể do giáo viên chủ động chuẩn bị như ngửi và phân biệt mùi hương của các loài hoa (hoa hồng, hoa nhài, hoa cúc,…) rồi bịt mắt trẻ để trẻ đoán xem đó là mùi hoa nào. Cách làm thú vị này vừa hấp dẫn trẻ vừa giúp trẻ quen và tự phân biệt được các mùi, hỗ trợ cho cảm nhận của khứu giác nhạy bén và hoàn thiện hơn. 

Viết bình luận