Sự khác biệt giữ phương pháp giáo dục Montessori và phương pháp giáo dục truyền thống của Việt Nam

19/06/2019 17:23:00 0 Bình luận

1.Trong mỗi lớp học Montessori, trẻ là trung tâm, giáo viên chỉ là người quan sát trẻ, tôn trọng sự tự do của trẻ, chỉ tham gia khi trẻ có những hành động không theo chuẩn mực đạo đức. Trẻ sẽ là người tự khám phá, tự chơi và tự học. Mỗi trẻ sẽ là cá nhân độc lập về nhận thức và tính cách.

 Trong lớp học theo phương pháp truyền thống, giáo viên sẽ là trung tâm, trẻ sẽ được học gián tiếp và học theo nhóm. Với phương pháp này, giáo viên sẽ áp đặt quan điểm của mình lên một nhóm trẻ, trẻ tiếp nhận tri thức một cách bị động, nhận thức của trẻ là do giáo viên áp đặt. Trẻ sẽ khó có khả năng phát triển tính sáng tạo, độc lập tự chủ.

2. Phương pháp Montessori coi trọng việc trẻ “tự học”, chơi các trò chơi có ý nghĩa hướng đến những hoạt động thực tế, trẻ được trải nghiệm thực tế, từ đó rút ra kinh nghiệm cho bản thân. Trẻ được tự do phát huy khả năng cũng như trí tưởng tượng của mình, được tự do thể hiện cá tính của mình mà không bị gò ép theo khuôn mẫu nào

Với phương pháp truyền thống, trẻ được giáo viên truyền đạt tri thức có sẵn, theo một hệ thống chẩn, trẻ sẽ học mọi thứ một cách rất bị động, hầu như tính chủ động và sáng tạo không được khuyến khích tại đây. Trẻ sẽ được tuyên dương nếu học và làm đúng theo những gì giáo viên hướng dẫn.

3. Những trẻ theo học Montessori sẽ được học trong môi trường phù hợp với khả năng của mình, những dụng cụ hay đồ dùng học tập đều được chuẩn bị một cách kỹ lưỡng, chu đáo, có mục đích nhằm phát huy tối đa khả năng thiên bẩm  của trẻ. Những đồ dùng dụng cụ của lớp học Montessori đều được thiết kế phù hợp với chiều cao, tầm với của trẻ.

Phương pháp truyền thống hầu như ngược lại hoàn toàn với phương pháp Montessori đề ra, trẻ bị kiểm soát chặt chẽ, các hoạt động học tập, vui chơi của trẻ đã được giáo viên phân chia, chuẩn bị kỹ lưỡng. Trẻ sẽ được giáo viên hướng dẫn tận tình và răm rắp theo sự hướng dẫn đó. Nếu làm sai, trẻ có thể bị kỷ luật và khiển trách. Điều này sẽ hạn chế khả năng sáng tạo của trẻ rất lớn, bởi chúng sợ nếu làm sai và làm hỏng có thể bị cảnh cáo hay bị phạt.

4. Trong lớp Montessori, trẻ học theo sở thích, hứng thú của mình. Có nghĩa, chúng sẽ được tự do chọn lựa môn học mà mình yêu thích, chọn lựa trò chơi hay vị trí ngồi mà mình thấy thoải mái. Giáo viên lúc này là người quan sát để phát hiện những khả năng vượt trội của mỗi trẻ để vun đắp, bồi dưỡng.

Đối với phương pháp truyền thống, giáo viên sẽ ra các chủ đề, môn học buộc trẻ phải tuân thủ và chấp hành, lúc này hứng thú của trẻ và hứng thú của giáo viên là đồng nhất, không có sự khác biệt. Một nhóm trẻ sẽ phải tham gia vào môn học mà mình không có hứng thú, chúng dễ sinh ra cảm giác chán nản, mất hứng trong học tập

 

Viết bình luận