Lĩnh vực toán học là một trong những khu vực gây được ấn tượng mạnh mẽ trong lớp học Montessori. Lý do lớn nhất đó chính là chúng có sự khác biệt vô cùng lớn với cách dạy toán thông thường tại các trường học truyền thống.
Toán học là khái niệm trừu tượng nhất mà bộ não phải tư duy. Những con số không thể tự định nghĩa được mình mà đều do trí tuệ của con người định nghĩa thông qua quá trình học tập và trải nghiệm. Sẽ thật tuyệt vời nếu một con trẻ có niềm hứng thú với Toán học ngay từ khi còn nhỏ. Một khi con đã làm quen và hứng thú với việc đếm số từ 1- 10, có thể cho con làm quen với chương trình toán học Montessori.
Thực sự không hề dễ dàng để có thể có đầy đủ những giáo cụ tại gia đình. Tuy nhiên, các bố mẹ vẫn có thể cùng con chơi đùa với những con số bằng những hoạt động và trò chơi rất vui, rất dễ tìm khắp mọi nơi. Điều này sẽ giúp các con có những niềm vui và sự tự tin vô cùng lớn khi đến lớp, toán học sẽ trở nên thú vị biết bao khi nó là một hành trình khám phá, có sự đồng hành của cả bố mẹ và thầy cô.
Sau đây là 7 cách để bố mẹ cùng con chơi với nhưng con số - điểm bắt đầu của toán học, trong cuộc sống hàng ngày:
1. ĐI SIÊU THỊ
Khi cả nhà đi siêu thị mua đồ cùng với nhau, hãy để con giúp bố mẹ đếm những đồ vật mà cả nhà cần mua. Ví dụ như “Hôm nay, chúng ta cần nấu canh khoai tây với sườn, con có thể giúp mẹ nhặt 8 củ khoai tây thật ngon không?”
2. CHÚNG TA CAO VÀ NẶNG BAO NHIÊU?
Con trẻ vô cùng hứng thú với việc cơ thể lớn lên hàng ngày. Các bố mẹ hãy chuẩn bị tại nhà những chiếc cân điện tử nhỏ xinh cùng những thang đo chiều cao gắn trên tường. Cùng con đo chiều cao và cân nặng của những em búp bê, những chú gấu bông hãy những chiếc xe tăng, tên lửa nhé. Bước nâng cao, đó là so sánh chiều cao cân nặng của các đồ vật, hoặc sắp xếp theo một thứ tự nhất định, từ nhỏ dần đến lớn dần, hoặc dài nhất đến ngắn nhất,v.v..
3. CÙNG CON CHUẨN BỊ BỮA ĂN
Trong cuộc sống thường ngày tại Việt Nam, thật khó để cả nhà có thể cùng nhau nấu ăn. Nhưng đây lại là một công việc rất thú vị với các con, khi được bố mẹ tin tưởng cho cùng vào bếp chuẩn bị bữa ăn cho gia đình. Kể từ những công việc đơn giản nhất.
Ví dụ: “Hôm nay nhà chúng ta có mấy người ăn cơm con nhỉ? Con có thể lấy giúp mẹ 10 chiếc đũa, một cái muôi và 2 cái thìa được không?
4. CHO CON CÓ CƠ HỘI ĐƯỢC TRẢ TIỀN
Khi cả gia đình đi ăn cùng nhau, hay đi mua một cây kem trong công viên. Các bố mẹ hãy cho con được có cơ hội cùng đếm tiền, vuốt phẳng phiu và đưa cho bác bán hàng. Điều nãy sẽ không chỉ có lợi trong việc làm quen với con số, mà còn giúp cho các con học được những kỹ năng giao tiếp căn bản của xã hội, và nếu được các bố mẹ hãy giải thích kỹ hơn với con về giá trị của vật chất và cách sử dụng tiền sao cho thật hợp lý.
5. TRÊN ĐƯỜNG PHỐ:
Vô vàn những phương tiện và những biển báo có thể sử dụng để cho những chú chim líu lo của chúng ta có thể chơi đùa với những con số.
Ví dụ: “Con có thể cho bố biết có bao nhiêu chiếc ô tô màu xanh đang đỗ được không?”
6. KHÁM PHÁ NHỮNG CON SỐ LỚN HƠN
Con trẻ luôn vô cùng hứng thú và đặc biệt hào hứng với những con số lớn, ấn tượng gắn liền với những vật thể và câu chuyện đằng sau. Đây cũng là cơ hội để bố mẹ có thể mở rộng chủ đề sang những lĩnh vực khác. Như những miếng bọt biển, các con luôn thèm và có thể hấp thụ những kiến thức và sẽ lắng nghe chăm chú với những chủ đề hấp mới mẻ.
“ Cơ thể con người có bao nhiêu chiếc răng? Con có biết một con cá mập có bao nhiêu cái răng không?”
“ Con có biết trong hệ mặt trời có bao nhiêu hành tinh và hành tinh nào lớn nhất không?”
“Con có biết toà nhà Lotte có bao nhiêu tầng không? Hôm nay chúng ta sẽ cùng lên tầng cao nhất và ngắm nhìn Hà Nội nhé!”
7. LỒNG GHÉP VÀO NHỮNG CÂU CHUYÊN CỔ TÍCH
Trước khi đi ngủ, hãy cùng con đọc những câu chuyện cổ tích và dân gian trên thế giới. Và bố mẹ luôn luôn có thể lồng ghép những khái niệm toán học vào trong những câu chuyện một cách khéo léo và hài hước.
“Cám bắt Tấm trèo lên cây cau hái 3 quả cau, nhưng Cám và mẹ Cám lại cần tận 6 quả, vậy Cám phải lấy mấy quả nữa hả con?”
“Ăn một quả, trả cục vàng, may túi ba gang đem đi mà đựng. Lần thứ nhất Chim ăn 1 quả, lần thứ 2 chim ăn 3 quả, vậy tổng cộng chim đã ăn mấy qủa hả con?
Các khái niệm toán học theo phương pháp Montessori sẽ được giới thiệu với trẻ thông qua các giáo cụ, trẻ thẩm thấu thông qua các bài tập từ hết sức cụ thế cho đến trừu tượng, từ đơn giản đến phức tạp. Trẻ sẽ được học về quy trình trước, sau đó mới đến các dữ kiện. Tính trật tự, kỹ năng phối hợp tai mắt và quan trọng nhất là tính độc lập trẻ đạt được khi trải nghiệm với các giáo cụ là đích đến.